Ngày nay, hình thức mua hàng trả góp được áp dụng rộng rãi, đặc biệt đối với các mặt hàng điện tử – điện lạnh nhằm tạo điều kiện cho khách hàng có thể sở hữu để sử dụng mà không cần phải có đủ tiền thanh toán một lần. Tuy nhiên, mua trả góp cũng là một hình thức vay vốn trong lĩnh vực tín dụng , do đó lịch sử tín dụng có thể ảnh hưởng đến quá trình mua hàng trả góp của khách hàng. Vậy khi có nợ xấu có mua trả góp được không? Đây là câu hỏi mà khá nhiều người thắc mắc. Hãy cùng Cozmo tìm hiểu câu trả lời cho câu hỏi này nhé!
Nợ xấu là gì?
Nợ xấu hay còn gọi là nợ khó đòi là khoản nợ quá hạn và bị nghi ngờ về khả năng chi trả cả gốc và lãi của người vay cũng như khả năng thu hồi vốn của người cho vay. Có nghĩa là khi đó người đi vay không thể trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng trước đó và chủ nợ phần nào xác định không thể thu hồi lại được và có thể bị xóa sổ khỏi danh sách các khoản nợ phải thu của chủ nợ.
Các khách hàng khi đã bị liệt vào danh sách khách hàng có nợ xấu (theo phân loại trên CIC) thì sẽ gặp không ít khó khăn khi muốn vay vốn của bất kỳ một tổ chức tín dụng nào đó ở những lần sau.
>> Xem thêm: CIC là gì? Hướng dẫn tra cứu CIC online kiểm tra nợ xấu cá nhân
Các nhóm nợ xấu
Theo quy định của Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc Gia Việt Nam (Hệ thống CIC) thì người đi vay nợ sẽ được xếp vào 5 nhóm nợ. Nợ xấu là những khoản nợ được phân loại vào nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn).
Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm:
- Nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn
- Nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi bị quá hạn và thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi còn lại đúng thời hạn;
Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) bao gồm:
- Nợ quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày;
- Nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu;
Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm:
- Nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày;
- Nợ gia hạn nợ lần đầu
- Nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng
- Nợ trong thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra
Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) bao gồm:
- Nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày;
- Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu
- Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai
- Nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra đến 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được
Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm:
- Nợ quá hạn trên 360 ngày;
- Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu
- Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai
- Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn
- Nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra nhưng quá thời hạn thu hồi theo kết luận thanh tra trên 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được
- Nợ của khách hàng là tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước công bố đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị phong tỏa vốn và tài sản
Mua trả góp là gì?
Mua trả góp là hình thức mua hàng hóa mà người mua không phải toán toàn bộ số tiền 1 lần khi mua mà khách hàng chỉ cần thanh toán một phần, phần còn lại sẽ được trả dần hàng tháng (kèm theo lãi suất) và số tháng trả dần theo kỳ hạn mà khách hàng đăng ký khi mua hàng (thường 6 tháng, 8 tháng, 12 tháng) với các mức lãi suất khác nhau. Nợ gốc và lãi thường được trả hàng tháng và có kỳ hạn trùng nhau, theo đó số tiền trả nợ của mỗi kỳ của khách hàng sẽ theo thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng khi mua hàng. Thông thường lãi mua hàng trả góp được tính dựa trên dư nợ gốc.
Mua trả góp là một phương thức cho vay tín chấp bởi khách hàng không phải cầm cố hay thế chấp bất kỳ tài sản nào mà các tổ chức tín dụng sẽ dựa trên điểm tín dụng của khách hàng trên hệ thống CIC để đánh giá khả năng trả nợ. Do đó lịch sử tín dụng của khách hàng cực kỳ quan trọng trong việc mua hàng trả góp.
Nợ xấu có mua trả góp được không?
Nếu khách hàng rơi vào nợ xấu tình trạng nợ xấu (nợ thuộc nhóm 3 đến nhóm 5) thì sẽ không có bất kỳ ngân hàng hay công ty tài chính nào cho khách hàng vay thêm bất kỳ một khoản vay nào. Khách hàng phải chờ đến 5 năm sau khi thanh toán đầy đủ khoản nợ thì lịch sử tín dụng của khách hàng mới đủ điều kiện để vay. Do đó, khi khách hàng rơi vào các nhóm nợ xấu thì khách hàng không thể mua trả góp tại bất kỳ cửa hàng nào.
Trường hợp, khách hàng có tình trạng nợ rơi vào nhóm 2 – nhóm nợ cần chú ý thì cũng sẽ không có ngân hàng nào chấp nhận cho khách hàng vay, chỉ một số công ty tài chính tạo điều kiện xem xét tình trạng của khách hàng để cho vay. Do đó , khi rơi vào nhóm nợ 2 thì khách hàng cũng khó có thể mua hàng trả góp và chỉ mua được ở một số cửa hàng có liên kết với các công ty tài chính có điều kiện cho vay dễ dàng.
Khi khách hàng thuộc nhóm nợ 2 thì lời khuyên khi mua trả góp là nên lựa chọn một công ty tài chính khác công ty đã từng vay để xét duyệt hồ sơ vay vì khả năng bị từ chối từ công ty đã từng vay là rất cao và khách hàng bắt buộc phải trả hết khoản nợ cũ thì mới được vay khoản vay mới.
Người thân bị nợ xấu thì có mua trả góp được không?
Trường hợp bản thân không bị vướng vào khoản nợ nhóm 2 hay các nhóm nợ xấu những vẫn bị ngân hàng hay các công ty tài chính từ chối xét duyệt hồ sơ vay để mua trả góp thì có thể là do có người thân bị nợ xấu.
Bởi bất kỳ cá nhân nào khi vay nợ ngân hàng đều được yêu cầu nộp sổ hộ khẩu. Từ sổ hộ khẩu các tổ chức tín dụng sẽ kiểm tra lịch sử tín dụng của người đề nghị vay cũng như các thành viên trong gia đình trên hệ thống CIC. Vì vậy khi khách hàng có người thân rơi vào các nhóm nợ xấu thì rủi ro cao là hồ sơ vay vốn của khách hàng sẽ không được xét duyệt.
Như vậy, khi mua hàng trả góp khách hàng cũng nên lưu ý đến lịch sử tín dụng của người thân trong gia đình. Bởi do ảnh hưởng của lịch sử tín dụng của người thân mà khách hàng có thể không thể mua trả góp như mong muốn.
Như vậy với những thông tin trên đây, khách hàng đã có thể hiểu được nợ xấu có mua trả góp được không? cũng như hiểu được mức độ ảnh hưởng của nợ xấu đến quá trình vay vốn và mua hàng. Hy vong nhờ đó khách hàng hãy xem xét kỹ lưỡng khả năng tài chính của bản thân khi quyết định vay vốn để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu, đồng thời nếu không may đã có nợ xấu thì nên thu xếp thanh toán đầy đủ để có thể dễ dàng mua trả góp hay vay vốn sau này.