Lĩnh vực ngân hàng phát triển, dịch vụ tín dụng ngày càng được nhiều người sử dụng bởi nhu cầu về nguồn vốn cho đầu tư, kinh doanh cũng như tiêu dùng ngày càng lớn. Vì vậy khái niệm dư nợ không còn quá xa lạ với mọi khách hàng. Tuy nhiên, nhiều người chưa sử dụng hay mới bắt đầu sử dụng vốn vay còn chưa hiểu rõ về dư nợ. Vậy dư nợ là gì? Cách thanh toán dư nợ như thế nào? Hãy cùng Cozmo tìm hiểu nhé!
Dư nợ là gì?
Dư nợ là tổng số tiền khách hàng đang còn nợ ngân hàng từ việc vay vốn với tất cả các hình thức vay khác nhau như: sử dụng thẻ tín dụng, vay tín chấp,vay thế chấp… nhằm sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau tại một thời điểm xác định.
Sau khi khách hàng thanh toán dần các khoản nợ này, phần nợ còn lại sẽ được gọi là dư nợ tín dụng. Khi khách hàng thanh toán hết nợ thì dư nợ của khách hàng tại thời điểm đó bằng 0.
Một số khái niệm liên quan đến dư nợ
Dư nợ cho vay
Dư nợ cho vay hay còn gọi là dư nợ tín dụng là số tiền khách hàng mà khách hàng nợ ngân hàng tính từ thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng .
Dư nợ cho vay bao gồm tổng tiền ngân hàng cho vay và tiền lãi trong thời hạn vay vốn đã được thỏa thuận rõ ràng trên hợp đồng tín dụng từ thời điểm ký kết. Như vậy, dư nợ cho vay là tổng số tiền ngân hàng cần phải thu về từ khách hàng vay.
Dư nợ ban đầu
Dư nợ ban đầu là số tiền mà khách hàng vay ngân hàng tại thời điểm bạn đầu khi khoản vay mới được ngân hàng giải ngân cho khách hàng. Dư nợ ban đầu khác với hạn mức cho vay. Hạn mức là số tiền khách hàng được phép vay con dư nợ ban đầu là số tiền khách hàng vay. Do đó, dư nợ ban đầu phải nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức cho vay.
Tính lãi suất theo dư nợ ban đầu hay còn gọi là dư nợ gốc là cách tính lãi suất trên số tiền vay ban đầu trong suốt quá trình vay. Có nghĩa là phần nợ gốc khách hàng đã trả bao nhiêu cũng không làm số lãi khách hàng phải đóng mỗi tháng thay đổi.
Dư nợ giảm dần
Dư nợ giảm dần là số dư nợ sau khi khách hàng đã thanh toán một phần so với dư nợ ban đầu .
Tính lãi suất theo dư nợ giảm dần là tính lãi suất phải trả theo số dư nợ thực tế. Có nghĩa là lãi suất khách hàng phải nộp tính trên số tiền khách hàng còn nợ (số tiền vay ban đầu trừ đi số tiền gốc đã trả).
Dư nợ quá hạn
Dư nợ quá hạn là tổng số nợ bao gồm cả nợ gốc và lãi của khách hàng cá nhân hoặc doanh nghiệp đã quá hạn phải trả nhưng vẫn chưa thanh toán cho ngân hàng hay các tổ chức tín dụng.
Dư nợ quá hạn không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng và các tổ chức tín dụng mà còn gây ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng của khách hàng, gây khó khăn cho việc vay vốn sau này.
Dư nợ thẻ tín dụng
Dư nợ thẻ tín dụng là số tiền mà khách hàng đã chi tiêu bằng thẻ tín dụng mà chưa thanh toán cho ngân hàng. Bởi thẻ tín dụng là hình thức vay nợ, khách hàng có thể chi tiêu bằng thẻ trước và hoàn trả tiền sau vào ngày đến hạn thanh toán thẻ mỗi tháng.
Doanh số cho vay
Doanh số cho vay là chỉ tiêu phản ánh tổng tất cả các khoản vay mà ngân hàng hay các tổ chức tín dụng đã cho vay trong một khoảng thời gian nhất định. Doanh số cho vay không thể hiện các khoản vay đã thu về hay chưa và thường được xác định theo tháng, quý, năm.
Doanh số thu nợ
Doanh số thu nợ là chỉ tiêu phản ánh tổng số nợ mà ngân hàng hay tổ chức tín dụng thu hồi về được trong một khoảng thời gian nhất định, không kể khoản vay đó được cho vay vào thời điểm nào. Doanh số thu nợ thường được tổng kết theo tháng, quý, năm.
Dư nợ quá thời hạn có sao không?
Khi khác hàng có các khoản nợ tín dụng quá hạn, khách hàng không chỉ phải chịu mức phí phạt dao động từ 5-6% số tiền khách hàng nợ mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng nếu khách hàng nợ quá hạn lâu rơi vào nhóm 3 trở lên. Khách hàng sẽ phải chịu những ảnh hưởng như:
- Khách hàng không có cơ hội được vay thêm bất kỳ khoản vay nào dù là tiền mặt, vay tín chấ hay vay thế chấp ở tất cả các ngân hàng cũng như các công ty tài chính hợp pháp, có uy tín.
- Khách hàng không được sử dụng thẻ tín dụng.
- Gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lịch sử tín dụng của khách hàng bởi tất cả giao dịch tín dụng của khách hàng đều được trung tâm tín dụng CIC ghi nhận đầy đủ.Vì vậy, việc để nợ quá lâu sẽ gây ảnh hưởng đến điểm tín dụng của khách, từ đó sẽ làm giảm uy tín của khách hàng trong mắt các tổ chức tín dụng.
- Dù có thanh toán đầy đủ sau khi quá hạn một thời gian quá lâu thì khách hàng cũng phải mất một thời gian dài (5 năm) để các tổ chức tài chính lại có thể duyệt hồ sơ vay cho khách hàng.
- Khách hàng có nguy cơ bị thu hồi tài sản đảm bảo ở ngân hàng nếu khách hàng không chi trả đầy đủ khoản vay thế chấp đã vay.
Vậy làm sao thanh toán dư nợ?
Nhờ hệ thống phòng giao dịch, chi nhánh ngân trải rộng khắp đất nước đồng thời hệ thống công nghệ thông tin phát triển mà việc thanh toán dư nợ của khách hàng trở nên rất dễ dàng nhanh chóng và tiện lợi. Khách hàng có thể chọn 1 trong 4 cách sau đây để thanh toán dư nợ của mình:
- Nộp tiền mặt tại quầy giao dịch của ngân hàng: Khách hàng có thể thanh toán số dư nợ của mình bằng cách đến bất kỳ điểm giao dịch gần nhất của ngân hàng để thực hiện thanh toán dư nợ của mình một cách dễ dàng.
- Séc hoặc ủy nhiệm chi: Khách hàng có thể ký Séc hoặc viết giấy ủy nhiệm chi gửi đến ngân hàng để yêu cầu thanh toán dư nợ của mình.
- Ghi nợ tự động hay thanh toán tự động: Khách hàng có thể đăng ký dịch vụ ghi nợ tự động hay thanh toán tự động từ tài khoản ngân hàng. Như vậy, hàng tháng ngân hàng sẽ tự động trích số tiền từ tài khoản thanh toán mà khách hàng đã đăng ký để trả nợ cho khách hàng. Khách hàng có thể chọn thanh toán một phần hoặc thanh toán toàn bộ tùy theo tình hình tài chính trong tài khoản thanh toán của mình.
- Thanh toán bằng cách chuyển khoản từ tài khoản khác: Khách hàng có thể chuyển khoản tại quầy, tại ATM hoặc trên các ngân hàng điện tử như internet banking, mobile banking từ tài khoản thanh toán để thanh toán các khoản nợ của mình. Đồng thời, hiện nay nhiều ngân hàng cũng như tổ chức tài chính cho phép khách hàng thanh toán dư nợ qua các ví điện tử như Momo,… vô cùng tiện lợi, dễ dàng và nhanh chóng.
Trên đây là những thông tin cơ bản về dư nợ cũng như tác hại của dư nợ quá hạn trong lĩnh vực ngân hàng, cụ thể dịch vụ tín dụng. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp khách hàng có cái nhìn đúng đắn về dư nợ, đồng thời tránh để dư nợ quá hạn ảnh hưởng tới lịch sử tín dụng, gây khó khăn cho việc vay vốn sau này.